Đề xuất bỏ quy định nộp kinh phí bảo trì 2% khi mua nhà chung cư
Đó là đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM đưa ra tại hội nghị về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TPHCM), tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trong thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu vẫn còn quy định khi thuê nhà chung cư, người thuê nhà phải nộp kinh phí bảo trì 2% sẽ còn phát sinh tranh chấp.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, nhà chung cư có tuổi thọ trung bình 100 năm. Sau vài năm đầu đưa vào sử dụng, chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều.
Tuy nhiên, càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng và sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm, hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp.
Tại một hội thảo, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP HCM. Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng tính đến hết quý II/2018, trên phạm vi cả nước có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một trong số những tranh chấp thường diễn ra tại nhiều chung cư liên quan tới khoản phí quản lý 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán). Số tiền này phải được gửi vào ngân hàng thương mại và chuyển giao lại cho Ban Quản trị nhà chung cư khi Ban Quản trị được thành lập.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc quy định này, không chuyển giao số kinh phí bảo trì này cho Ban Quản trị mà tự ý sử dụng vào các mục đích khác hoặc cũng có trường hợp khi chuyển giao số kinh phí này thì Ban Quản trị cũng tùy tiện sử dụng không đúng mục đích...
Còn theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện nay các cơ quan nhà nước còn bối rối trong việc đưa ra các chế tài xử lý, các quy định ban hành về quản lý nhà chung cư còn chồng lấn.
"Đáng chú ý là hơn 500 dự án bàn giao nhưng chỉ có hơn 200 dự án bàn giao Quỹ bảo trì. Điều này cho thấy, lợi ích của người dân đã bị chiếm dụng. Giải pháp cho câu chuyện này là người dân phải làm quen với việc khi mua bán cần phải tham khảo ý kiến luật sư, khi tranh chấp liên quan đến chung cư là ra tòa xử lý, tức là các vấn đề cần quy định lại trong pháp luật dân sự", ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA,
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng trong các loại tranh chấp tại nhà chung cư thì tranh chấp việc quản lý 2% phí bảo trì này đứng hàng đầu và rất dai dẳng, thậm chí có khi xảy ra những xung đột lớn kéo nhau ra toà.
Theo đó, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ chung cư.
Toàn TPHCM có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp trong các nội dung một số chủ đầu tư, cư dân không đóng góp kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở 2005. Một số chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư theo quy định của pháp luật.
Do đó, ông Châu đề nghị thực hiện nghiêm biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị. Đề nghị phối hợp với Bộ Công an để thực hiện công tác cấp con dấu cho Ban quản trị chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014, tạo điều kiện cho Ban quản trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đề nghị quy định rõ chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư phải có từ hai (02) người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi.
Nguyên Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
Nhận xét
Đăng nhận xét